Thông tin thêm Đền_Hiển_Trung

  • Theo sách Gia Định thành thông chí, thì ở gần Đền Hiển Trung có một ngôi đền cũng được xây dưới thời Gia Long, mang tên là Miếu Hội đồng hay Miếu Thánh, trích:
Ngôi miếu "cách trấn thự về phía nam 5 dặm rưỡi, ở phía tây đường cái quan, lúc mới mở cõi dựng miếu để thờ linh thần trong hạt, miếu sở rộng rãi, án đẳng đẹp đẽ, nay vẫn để vậy. Xuân thu hai kỳ tế, lệ có 50 lễ sinh hiệu, 25 miếu phu, trước miếu có cây đa rườm rà to đến hai vầng ôm, hành khách đi lại nhiều người nghỉ ở dưới gốc cây"[14]. Đến thời của Trương Vĩnh Ký, thì ngôi đền này cũng "bị các sĩ quan cai quản (và) lính tập chiếm đóng". Theo ông, thì ngôi đền "mằm ở phía trước tường rào và giữa hai hồ sen tỏa hương thơm ngào ngạt cho cả đoạn đường vua thường ngự qua". Và "trước mặt hai ngôi đó (Đền Hiển Trung và Miếu Hội đồng), bên vệ đường ở đầu và cuối ranh giới, có dựng hai cột trụ ghi chữ 'Khuynh cái, Hạ mã' (bỏ nón, xuống ngựa) để tỏ lòng tôn kính"[15]. Theo tác giả Nguyễn Thanh thì Miếu Hội đồng bị quân Pháp xóa mất dấu tích khoảng năm 1855[16]. Trung úy Hải quân Pháp Léopold Pallu, sĩ quan tùy viên Tổng hành dinh của tướng Leonard Charner trong đoàn viễn chinh đánh Sài Gòn năm 1861 đã viết về ngôi miếu này như sau:"Chùa Ao [17] trước kia rất nổi tiếng vì là nơi hành hương cho những người đi buôn bán từ Mỹ Tho trở về. Chùa có hai ao nên gọi là chùa Ao, một lớn một nhỏ, nước dơ bẩn, thường thấy thỉnh thoảng có xuất hiện loại cá sấu caiman [18].